Bảo tồn, quản lý các di sản khảo cổ
Ở Việt Nam cho đến nay chúng ta đã phát hiện được nhiều di sản khảo cổ học có quy mô lớn bao gồm nhiều di sản có giá trị lịch sử, văn hóa cao, mang tầm thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình khai quật, vấn đề nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị sau khai quật cũng đang cần được quan tâm để tránh các bất cập có thể xảy ra làm mất mát các giá trị khảo cổ có vai trò lớn.
Vì sao việc bảo tồn các di sản khảo cổ là vô cùng quan trọng
Để trả lời được câu hỏi vì sao việc bảo tồn di sản khảo cổ là việc vô cùng quan trọng chúng ta cần hiểu được hết giá trị của các di sản khảo cổ :
- Di sản khảo cổ học là những gia tài quý giá mà lịch sử để lại cho chúng ta, chúng cũng là bằng chứng sống động, hiện hữu và đa dạng về những giá trị gốc của lịch sử, văn hóa và nền tri thức cổ xưa.
- Di sản khảo cổ còn cung cấp cơ sở khoa học xác thực trong việc làm sáng rõ hơn giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Chính vì vậy, việc bảo tồn loại hình di sản này rất khắt khe, đòi hỏi tuân thủ những chuẩn mực khoa học và đạo đức nghề nghiệp, phải bảo đảm bảo tồn tính nguyên gốc của di tích dựa trên kết quả khai quật, nghiên cứu khoa học.
>> Những phát hiện khảo cổ đáng kinh ngạc nhất
Nguy cơ hiện nay đối với các di tích, di sản khảo cổ
Các di sản khảo cổ học có tính chất rất mong manh, mang tính độc nhất, không thể thay thế hay tái sinh được. Một di tích khảo cổ một khi đã khai quật thì đồng nghĩa với bị phá hủy vì chúng sẽ không bao giờ trở lại được trạng thái ban đầu. Có rất nhiều di tích khảo cổ đã không được khai quật một cách đúng đắn dẫn đến bị phá hủy, mất đi giá trị lịch sử và văn hóa của chúng.
Ngày nay các di tích khảo cổ còn phải đối mặt với một thử thách lớn nữa đó là quá trình đô thị hóa đang được diễn ra với tốc độ chóng mặt và khó kiểm soát nhưng lại thiếu sự quản lý chặt chẽ từ các ban ngành có trách nhiệm liên quan. Ở nhiều địa phương, đã có hiện trạng các di tích, di sản khảo cổ mặc dù đã được công nhận vẫn không được quan tâm đúng mức dẫn đến sự xuống cấp, hư hại, mất mát giá trị của các di tích khảo cổ
>> Sơ lược về khảo cổ học và ngành đào tạo khảo cổ học
Các phương pháp bảo tồn di tích, di sản khảo cổ
Các di tích, di sản khảo cổ được bảo tồn, quản lý với nguyên tắc tránh các tác động từ thời tiết và các yếu tố ngoại quang khác tác động xấu đến chúng làm biến đổi, làm mất giá trị về mặt lịch sử, văn hóa của các di tích, di sản khảo cổ
Đối với các phế tích kiến trúc, di vật và các dấu vết khảo cổ khác mà không thể di dời
- Lấp cát: đóng lại di tích bằng lấp cát giúp bảo tồn di tích đó dưới lòng đất như nguyên trạng
- Làm nhà mái che bảo vệ: nhà mái che tạm thời hoặc nhà bảo tàng hiện đại trong tương lai, gọi là bảo tàng tại chỗ.
- Cắm mốc giới đánh dấu vị trí: Cắm mốc tại hố khai quật và đặt biển chỉ dẫn về địa điểm khảo cổ. Biển chỉ dẫn ghi rõ tên địa điểm khảo cổ, năm khai quật, kinh độ, vĩ độ của hố khai quật.
Đối với các hiện vật, di sản khảo cổ di dời được
Các di sản, hiện vật khảo cổ khai quật được sẽ được các nhà khảo cổ tiến hành vận chuyển về các cơ sở nghiên cứu di sản khảo cổ hoặc các viện bảo tàng để trưng bày phục vụ cho mục đích tham quan
Bên cạnh các phương pháp bảo tồn nói trên, tùy theo tính chất và giá trị của khu di tích, các nhà quản lý có thể áp dụng phương pháp trùng tu, phục dựng để phục vụ cho công tác phát triển du lịch, phát triển văn hóa. Tuy nhiên đây không phải là bảo tồn mà là làm mới nên rất dễ rơi vào tình trạng sai lệch so với bản gốc nên rất cần sự quản lý chặt chẽ từ các cầm quyền
Yến Huỳnh