Rác thải nhựa trên biển – Vấn đề môi trường toàn cầu
Như chúng ta đã biết, hiện nay biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng do ảnh hưởng từ môi trường, trong đó nổi trội nhất là việc ô nhiễm rác thải, đặc biệt rác thải nhựa chiếm tỷ trong lớn và có thời gian phân hủy lâu nhất. Vấn đề ô nhiễm môi trường biển do lượng rác thải nhựa trên biển từ lâu đã mang tới thách thức cho toàn cầu.
Thực trạng ô nhiễm biển do rác thải nhựa tại Việt Nam
Trong những năm gần đây, nhận thức được tầm quan trọng trong việc cần phải giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên đại dương, nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu xây dựng các hiệp ước, thỏa thuận toàn cầu có tính ràng buộc về pháp lý để các quốc gia cùng chung tay làm sạch môi trường biển.
Trong đó Việt Nam cũng là một trong những thành viên tích cực thúc đẩy thỏa thuận này, ngoài ra chính phủ Việt Nam cùng các tổ chức, cộng đồng địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa trên biển.
“Biển và đại dương là nguồn sống quan trọng và gắn bó chặt chẽ tới con người. Là nền tảng cơ bản cho sự phát triển bền vững.” Theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) chia sẻ. Ấy vậy mà, hiện nay chúng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng trong đó ô nhiễm rác thải là vấn đề quan trọng nhất và cần đẩy nhanh các biện pháp để ngăn chặn và thu hẹp lượng rác thải này.
Theo các nghiên cứu mới đây quan sát được thì ở khắp mọi môi trường biển của Trái Đất đều xuất hiện các loại rác thải nhựa và các hạt vi nhựa (chưa phân hủy hết). Đặc biệt Việt Nam đứng thứ tư chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines trong danh sách những nước làm ô nhiễm biển trên toàn thế giới.
Tác hại của rác thải nhựa đến môi trường
Với tình hình thực trạng rác thải nhựa như trên thì tác hại mà chúng gây ra cho môi trường là không hề nhỏ.
Rác thải nhựa đã luôn là loại rác thải khó bị phân hủy nhất trong môi trường tự nhiên. Ngoài ra, mỗi loại chất nhựa lại có số năm phân hủy khác nhau và thời gian để phân hủy được hết thì tương đối dài, có loại chất lên tới trăm năm. Có thể kể đến một số loại rác thải nhựa rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày của chúng ta như chai nhựa phân hủy sau 450 năm – 1000 năm; ống hút, nắp chai sẽ phân hủy sau 100 năm – 500 năm; bàn chải đánh răng phân hủy sau 500 năm.
Các loài động vật biển khi ăn phải rác thải nhựa có tỷ lệ chết cao, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng và mất cân bằng sinh thái. Ngoài ra, chúng còn gây cản trở môi trường sống, làm biến đổi hình dáng của nhiều loài sinh vật biển.
Rác thải nhựa nếu không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến không khí và môi trường nước. Từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến các loại sinh vật dưới biển, mà nên nhớ con người chúng ta sử dụng lượng thực phẩm rất lớn đến từ biển cả như muối, hải sản, cá,..
Việc đốt rác thải nhựa còn nguy hại hơn nữa, khi chúng sản sinh ra chất độc đi-ô-xin, furan gây ô nhiễm không khí, ngộ độc và ảnh hưởng trực tiếp tới các tuyến nội tiết, làm giảm khả năng miễn dịch và có thể gây ra ung thư cho con người.
Nếu chúng ta chôn lấp rác thải nhựa, điều này sẽ làm cho đất không giữ được dinh dưỡng, nước và làm ngăn cản quá trình trao đổi oxy. Gây tác động không hề nhỏ tới sự phát triển của cây trồng. Ô nhiễm nguồn nước cũng làm chết nhiều các loại vi sinh có lợi cho cây dưới lòng đất, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của cây trồng.
Hy vọng thông qua những chia sẻ trên đây sẽ giúp mỗi chúng ta nâng cao nhận thức về quản lý chất thải nhựa, hạn chế sử dụng trong sinh hoạt, cũng như tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng tại địa phương để làm giảm thiểu số rác thải nhựa trên biển. Trả lại cho thiên nhiên một đại dương xanh sạch đẹp.