Các nhà khảo cổ học nổi tiếng Việt Nam
Với lịch sử hình thành và phát triển hơn 4000 năm của dân tộc thì Việt Nam chúng ta có nguồn nguyên liệu dồi dào về văn hóa, lịch sử để ngành sử học nói chung và khảo cổ học nói riêng phát triển trên nền tảng đó. Vậy nhưng hiện trạng hiện nay là ngành khảo cổ rất ít nhận được sự quan tâm của đại chúng. Tuy nhiên vẫn có nhiều nhà khảo cổ học nổi tiếng Việt Nam vẫn ngày đêm âm thầm nghiên cứu và đóng góp cho nền khảo cổ học Việt Nam mà chúng ta có thể kể đến như sau:
Nhà khảo cổ học, Giáo sư Trần Quốc Vượng
Giáo sư Trần Quốc Vượng sinh năm 1934 quê ở Hải Dương, xuất thân là cán bộ giảng dạy của Khoa Lịch Sử trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội. Từ những năm 50 của thế kỷ trước, ông và Giáo sư Hà Văn Tấn đã là những người đầu tiên đặt nền móng cho ngành khảo cổ học của Việt Nam từ con số 0. Trong niên khóa 1959-1960, ông đã lên lớp học đầu tiên về Khảo cổ học Việt Nam. Các lý thuyết và phương pháp nghiên cứu được Giáo sư Trần Quốc Vượng sử dụng mang tính độc đáo và thâm chí được các nhà khảo cổ đồng lứa và các thế hệ đi sau gọi là “trường phái Trần Quốc Vượng’’. Hai công trình nghiên cứu nổi bật của ông ở lĩnh vực Khảo cổ học là Sơ yếu Khảo cổ học nguyên thủy ở Việt Nam xuất bản năm 1962 và giáo trình Cơ sở Khảo cổ học Việt Nam xuất bản năm 1975 được coi là giáo trình khảo cổ học của Việt Nam thời điểm đó. Ngoài ra ông còn là tác giả của một gia tài đồ sộ hơn 400 bài nghiên cứu và 40 đầu sách được xuất bản trong và ngoài nước trong đó có cuốn Việt Nam khảo cổ học xuất bản năm 1993 ở Nhật.
>> Sơ lược về khảo cổ học và ngành đào tạo khảo cổ học
Nhà khảo cổ học, Giáo sư Hà Văn Tấn
Cùng với GS. Trần Quốc Vượng thì GS. Hà Văn Tấn cũng được mệnh danh là một trong “tứ trụ” của nền sử học Việt Nam. Từ nền móng kiến thức về sử học ông chuyển sang nghiên cứu về khảo cổ học Việt Nam như một phương pháp tiếp cận mới, mở ra nguồn tư liệu mới giúp ông làm sáng tỏ các vấn đề về lịch sử Việt Nam. Ông cùng GS. Trần Quốc Vượng là 2 nhà khảo cổ đại diện khai sinh bộ môn Khảo cổ học ở Việt Nam. Ông nguyên là Viện trưởng Viện khảo cổ học và có hơn 200 công trình nghiên cứu về sử học, khảo cổ học được đăng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước và 27 bộ sách đã xuất bản trong đó tiêu biểu về ngành khảo cổ học là cuốn Sơ yếu Khảo cổ học nguyên thủy (viết cùng GS.Trần Quốc Vượng) và cuốn Cơ sở Khảo cổ học.
Các di sản nghiên cứu về khảo cổ học của ông để lại được xem là tài liệu quý giá mang tính “kim chỉ nam” cho các lớp học trò đi sau dựa vào và nghiên cứu.
>> Những phát hiện khảo cổ đáng kinh ngạc nhất
Nhà khảo cổ học, Giáo sư Phạm Huy Thông
Giáo sư Phạm Huy Thông sinh năm 1916 tại Hà Nội, là hậu duệ của Phạm Ngũ Lão có thời gian dài được học tập tại Pháp và từng giữ chức vụ Viện trưởng Viện khảo cổ học giai đoạn 1967-1988 giúp Viện nghiên cứu thành công nhiều đề tài khảo cổ như “Thời đại các Vua Hùng dựng nước”, “Khảo cổ học 10 thế kỷ sau công nguyên”, “Khảo cổ học với văn minh thời Trần”… đóng góp nhiều tài liệu và thành tựu cho nền khảo cổ Việt Nam. Ông còn được được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình nghiên cứu khảo cổ như Con Moong, trống đồng Đông Sơn và 4 bài dẫn luận thời đại Hùng Vương.
>> Những phát hiện khảo cổ học hot nhất Trung Quốc 2020
Yến Huỳnh