Khám phá

Tác dụng của cây Chay trong y học và cuộc sống

Cây Chay có lẽ còn xa lạ đối với nhiều người, nhưng với những ai là người địa phương ở các tỉnh phía bắc thì có phần quen thuộc. Từ lâu, dân gian ta đã biết khai thác toàn diện cây chay trong quá trình sinh hoạt hằng ngày, cũng như trong việc điều trị bệnh. Dù còn nhiều vấn đề cần phải được nghiên cứu thêm, nhưng chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích tuyệt vời từ loài cây đặc biệt này đối với cuộc sống con người. Ở bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu về công dụng của cây Chay, nhưng trước hết ta hãy tìm rõ các thành phần dưỡng chất có trong các bộ phận của cây.

Thành phần hóa học của cây Chay

Theo nhiều tài liệu đã nghiên cứu, cây Chay có thành phần hóa học khá đa dạng và phong phú:

  • Vỏ rễ: mang tannin, polyphenol… Các chất này có tác dụng hạn chế biểu hiện của một số gen liên quan đến bệnh lý ung thư tủy xương.
  • Vỏ thân: chứa các hợp chất flavonoid, stilben như catechin, afzlectin 3-O- α-L-rhamnopyranosid.
  • Quả xanh: chứa hợp chất saponin steroid alkaloid gồm solasonin và solasodin. Chiết xuất dịch quả có dimethyl nitrosamin.
  • Lá: dồi dào canxi và protein.
  • Hạt: chứa lectin.

Cây Chay được nghiên cứu và chỉ ra rằng cây chay có tác dụng ức chế miễn dịch chọn lọc rất nhanh. Đặc biệt là chỉ ức chế miễn dịch gây bệnh chứ không ảnh hưởng đến các hệ miễn dịch có lợi của cơ thể. Để có thể giải thích cho điều này thì các nhà khoa học đã chứng minh được 4 loại hoạt chất quý hiếm có trong cây chay là: Maesopsin, Alphitonin, Kaempferol, Artonkin có tác dụng gây ra ức chế miễn dịch và chống viêm rất mạnh.

Quả cây Chay
Quả cây Chay còn xanh

Xem thêm: Hình ảnh cây Chay

Công dụng của cây Chay trong y học

Rễ, vỏ và cả quả đều là những thành phần của rất nhiều bài thuốc trong tây y lẫn đông y. Thậm chí, Viện hóa học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt nam đã thiết lập nhiều công trình nghiên cứu, thử nghiệm toàn diện về những ứng dụng trong y học hiện đại của cây Chay để chữa trị các bệnh lý về xương khớp như chữa trị thoát vị đĩa đệm, điều trị bệnh thoái hóa cột sống, chữa trị thoái hóa đốt sống cổ, điều trị thần kinh tọa, Lupus, nhược cơ,…

Tác dụng Y học hiện đại

Ức chế miễn dịch tế bào

Sau khi tiến hành chiết tách trên các thí nghiệm cho thấy rằng: 4 thành phần gồm maesopsin, alphitonin, kaempferol, artonkin có tác dụng sinh học ức chế miễn dịch trên động vật thực nghiệm. Cụ thể là ngăn cản sự hình thành biểu hiện của một số gen liên quan đến quá trình ung thư ở tủy xương. Ngoài ra, cao chiết từ là còn có khả năng giảm viêm, chậm quá trình thải ghép trong cơ thể, hỗ trợ bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, có lẽ vẫn cần nhiều thời gian nghiên cứu về những vấn đề này hơn trên con người.

Kháng viêm, giảm đau

Theo nghiên cứu của TS. Trịnh Thị Thủy (Viện Hóa học Việt Nam) và các cộng sự phối hợp với Trường đại học Perugia, Italia cũng cho thấy dịch chiết lá chay có tác dụng ức chế sự sản xuất các cytokine-chất trung gian kích hoạt phản ứng viêm, do đó ức chế quá trình hình thành các ổ viêm, giảm đau.

Hỗ trợ điều trị bệnh nhược cơ

Qua quá trình thử nghiệm tại bệnh viện Quân y 103 năm 1980, đã cho kết quả rằng, chiết xuất từ lá cây chay giúp làm giảm các triệu chứng lâm sàng ở gần 90% bệnh nhân nhược cơ trong tổng số 31 người thử nghiệm. Đặc biệt, dược liệu phục hồi nhanh triệu chứng sụp mi mắt, lâm sàng điển hình ở bệnh nhân nhược cơ. Bên cạnh đó, các nghiên cứu còn cho thấy, tác động trên hệ miễn dịch của cây chây đặc hiệu và có chọn lọc, ít gây ra tác dụng không mong muốn, có thể dùng điều trị lâu dài.

Hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ

Theo nghiên cứu trên chuột, thuộc trường đại học Y Hà Nội kết hợp với viện Karolinska – Thụy Điển cho thấy, lá của thực vật này làm giảm viêm tại các khớp. Đồng thời, nó còn có thể ức chế sự gia tăng số lượng tế bào hạch bạch huyết và tăng lượng tế bào tự hủy. Từ đó, những đợt cấp tiến triển của bệnh viêm khớp sẽ giảm đi.

Không chỉ có vậy, có kết quả còn cho thấy hoạt lực của dịch chiết từ lá mạnh tương đương với cyclosporin A-chất ức chế miễn dịch, với liều từ 15 -25mg/ml. Hiện nay, ứng dụng sinh học từ loài cây này đang được phổ biến dần trong các bệnh lý tự miễn như vẩy nến, nhược cơ, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp…cho kết quả khả quan.

Tác dụng Y học cổ truyền

Tính vị:

  • Thân, rễ, lá: Vị chát, tính bình.
  • Quả: Vị chua, tính bình.
  • Quy kinh: Kinh Can, Thận

Công dụng:

  • Quả: Thanh nhiệt, cầm máu, trợ tiêu hóa, giảm ho, giảm đau họng…
  • Lá, rễ: làm săn se lại, giảm đau, giảm tê thấp, điều hòa kinh nguyệt, giảm khí hư, huyết trắng,…

Trong Y học cổ truyền thì lá và rễ cây chay còn có tác dụng chữa đau lưng và làm chắc chân răng. Đặc biệt cây trong dân gian hiện nay vẫn còn được lưu trữ rất nhiều những bài thuốc chữa viêm khớp dạng thấp, đau nhức mỏi gối rất hiệu quả.

Quả Chay khô
Quả chay phơi khô dùng trong Y học cổ truyền

Công dụng của cây chay trong đời sống

Có thể bạn chưa biết nhưng quả chay có thể được sử dụng để chế biến những món ăn cực kì ngon miệng như: cá kho quả chay, cua đồng kho quả chay, canh cá chua cùng quả chay,…

Quả chín ăn được: có thể ăn sống hoặc nấu canh ăn (canh chua) ăn quả lúc còn tươi hoặc phơi khô để ăn dần. Quả chay chín (5 – 7 quả) ăn hoặc ép nước uống dùng đề chữa nóng phổi, mỏi gối, rong kinh, bạch đới, chảy máu mũi, ho ra máu, đau họng, dạ dày thiếu toan, trị chứng kém ăn (có thể dùng quả chay ép lấy nước uống). Vỏ và rễ dùng nhai với trầu, chữa rong kinh, bạch đới, mỏi gối, đau lưng, có tác dụng làm chắc chân răng. Quả chay có vị chua, tính bình, có tác dụng thu liễm, cầm máu, thanh nhiệt, khai vị giúp tiêu hoá tốt và ăn ngon miệng. Quả còn xanh chứa solasodin; dịch quả chứa dimethyl nitro samin và nhiều nitro samin.

Từ năm 1994, Viện Quân Y 108 đã dùng lá chay bắc bộ làm thuốc chữa bệnh liệt, bệnh nhược cơ và thu được kết quả tốt. Những nghiên cứu gần đây của Trần Văn Sung và cộng sự (2000) đã phát hiện trong láChay bắc bộ có chứa một số hợp chất triterpenoid (như 3- acetoxy- oleane-9, 12 – diên, 3 – acetoxy – 30 – nor lupane – one, belulonic acid…) và flavonoid glucosid có hoạt tính sinh học cao. Những thử nghiệm invitro và invivo cho biết, một số hợp chất có tác dụng kháng khuẩn, kháng HIV, kháng ung thư và điều hòa miễn dịch…

Những món ăn từ quả chay vừa giúp cơ thể giải nhiệt vào mùa hè, vừa gợi lại những hương vị giản dị của nơi miền quê với cây đa, giếng nước, sân đình. Thông thường, chờ nồi canh vừa chín tới là có thể cho những lát chay vào (chay còn tươi hoặc đã phơi khô). Đợi đến khi canh sôi trở lại trong vài phút thì nêm nếm vừa ăn rồi nhấc xuống, múc ra bát, cho chút ngò đã sắt nhỏ cùng một ít tiêu xay. Những khứa cá trắng đã không còn béo đến ngậy trong tô canh nữa. Trái lại vị ngọt béo của cá hầu như đã hòa lẫn trong vị chua dịu của quả Chay làm thành một món ăn hài hòa, tuyệt ngon, tạo nên sự khác biệt của tô canh vùng miền núi trung du so với những nơi khác.

Thêm vào đó, cây chay cũng được sử dụng để làm cây xanh cảnh quản vì loài cây này có những giá trị văn hóa phù hợp với người Việt. Chưa kể, vỏ cây Chay cổ thụ có màu đỏ thẫm, tán lá dày, xanh tươi quanh năm nên rất phù hợp để trồng sử dụng làm cảnh, bóng mát cho quần thể và mang nhiều ý nghĩa phong thủy.