Các lưu ý cho phụ nữ mang gen Thalassemia khi mang bầu
Người mang gen Thalassemia là như thế nào
Người mang gen Thalassemia là người khỏe mạnh, không mắc bệnh Thalassemia nhưng có mang gen Thalassemia. Những người này thường sẽ rất khó phát hiện vì họ không mắc bệnh, không có triệu chứng bệnh rõ ràng, nếu có thì chỉ bị thiếu máu nhẹ, có thể nhầm lẫn với bệnh thiếu máu do các nguyên nhân khác như thiếu sắt. Người mang gen Thalassemia thường chỉ được phát hiện khi làm các xét nghiệm phân tích máu trong các trường hợp cần thiết phải xét nghiệm máu như phụ nữ khi mang thai, truyền máu hoặc người mang gen chủ động tầm soát tiền hôn nhân….
Nguy cơ đối với các mẹ bầu mang gen Thalassemia
Đối với các phụ nữ mang gen Thalassemia nhưng ở thể nhẹ hoặc rất nhẹ thì khi bình thường có thể chỉ bị thiếu máu nhẹ hoặc thâm chí không thiếu máu nhưng khi mang bầu, có thể sẽ bị thiếu máu nhẹ, vừa hoặc nghiêm trọng tùy theo từng trường hợp. Vì khi mang bầu, nhu cầu máu sẽ tăng cao để nuôi bào thai, các mẹ bầu mang gen Thalassemia có thể thiếu máu do cơ thể không sản xuất kịp máu so với nhu cầu máu và tốc độ tan máu do gen Thalassemia ảnh hưởng.
>> Thắc mắc thường gặp về bệnh Tan máu bẩm sinh – Thalassemia
Những việc cần làm trước và trong thai kỳ đối với phụ nữ mang gen Thalassemia
Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi trong suốt thai kỳ, các phụ nữ mang gen Thalassemia cần được kiểm tra sức khỏe và theo dõi nghiêm ngặt trước và trong thai kỳ như sau:
Các xét nghiệm cần thực hiện trước khi mang thai
Việc làm đầu tiên và quan trọng nhất trước khi mang thai đối với các phụ nữ mang gen Thalassemia đó là việc xét nghiệm để đánh giá tình trạng Thalassemia của cả hai vợ chồng từ đó có các biện pháp mang thai, sàng lọc phù hợp để đảm bảo con sinh ra không mang gen bệnh hoặc không mắc bệnh Thalassemia.
>> Hình ảnh trẻ em bị tan máu bẩm sinh
Tiếp theo đó là thực hiện các xét nghiệm sau đối với phụ nữ mang gen Thalassemia chuẩn bị mang thai:
- Kiểm tra khả năng sinh sản: theo dõi chu kỳ kinh nguyệt và siêu âm vùng xương chậu
- Xét nghiệm về quá tải sắt: Điện di huyết thanh, chụp MRI tim và gan để đánh giá tình trạng ứ đọng sắt ở tim, gan
- Đo điện tâm đồ và siêu âm tim để đánh giá chức năng tim
- Xét nghiệm sinh hóa và siêu âm gan để đánh giá chức năng gan
- Xét nghiệm chức năng và siêu âm tuyến giáp và các xét nghiệm các nội tiết tố khác….
Các biện pháp theo dõi và thực hiện trong thai kỳ đối với mẹ bầu mang gen Thalassemia
Ngoài việc theo dõi, khám thai định kỳ các mẹ bầu cần lưu ý các vấn đề sau trong quá trình mang thai:
- Tình trạng thiếu máu đối với phụ nữ mang gen Thalassemia có thể trầm trong hơn trong giai đoạn thai kỳ vì vậy mẹ bầu có thể cần được truyền máu để giảm tình trạng thiếu máu và giảm áp lực bơm máu liên tục của tim. Ngoài ra các mẹ bầu cũng được khuyến cáo tránh thải sắt trong thời kỳ này, ở một số trường hợp thậm chí còn cần bổ sung sắt để tạo máu nhưng cần có sự tư vấn của bác sĩ.
- Bổ sung acid folic thường xuyên: mẹ bầu mang gen Thalassemia có nhu cầu về acid folic cao hơn các mẹ bầu không mang gen bệnh vì ngoài việc ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi, acid folic còn có tác dụng giảm nguy cơ mắc một chứng thiếu máu đặc biệt đó là thiếu hồng cầu to tuy nhiên liều lượng acid bổ sung cần theo chỉ định của bác sĩ.
- Kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường tuýp 1 vì đây là bệnh mà các mẹ bầu dễ mắc và Thalassemia có thể sẽ làm trầm trọng hơn bệnh này
>> Nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh tan máu bẩm sinh
Yến Huỳnh