Y học

Đừng tự chữa bỏng bởi nó sẽ gây ra nguy cơ nhiễm trùng

Việc tự chữa bỏng sẽ gây ra nhiều nguy cơ bởi thường sẽ dùng các vật liệu dân gian thiếu cơ sở để chữa trị. Nếu chưa tin bạn có thể  xem qua bài viết sau đây.

Đừng tự chữa bỏng bởi nó sẽ gây ra nguy cơ nhiễm trùng

Em bé 6 tuổi ở Bắc Giang, nghịch bật lửa bỏng vùng mặt, người nhà dùng nhựa lá nha đam, thuốc mỡ bôi vào mặt cho bé.

Sáng hôm sau, vùng mặt bé bị bỏng nặng hơn, sưng nề, trợt da, đau rát kèm theo sốt, gia đình đưađến Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cấp cứu. Các bác sĩ xác định vết bỏng độ hai vùng mặt bé có dấu hiệu nhiễm trùng, may mắn vùng giác mạc không bị tổn thương. Ngày 23/11, sau 5 ngày điều trị, bé xuất viện.

Một bé trai 17 tháng tuổi ở Yên Bái, đang điều trị bỏng tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương. Bé trai bị bỏng hai bàn chân do vô tình cho chân vào chậu nước nóng, gia đình không đưa đến bệnh viện điều trị ngay mà tự đắp thuốc nam tại nhà. Sau 6 ngày, hai bàn chân bé bị nhiễm trùng nặng.

Khi đến viện, vùng bỏng hai bàn chân sưng nề chảy dịch đục, trợt da, nhựa lá cây dính bết vào vết bỏng, cử động cổ chân hạn chế. Các bác sĩ nhận định do không được điều trị đúng cách, bé nguy cơ nhiễm trùng huyết và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bé đang điều trị tại khoa Chấn thương chỉnh hình.

dung-tu-chua-bong-boi-no-se-gay-ra-nguy-co-nhiem-trung
Bàn chân nhiễm trùng nặng của bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tai nạn bỏng chiếm hàng đầu trong những loại tai nạn xảy ra tại nhà với trẻ em. Thống kê của Viện Bỏng Quốc gia, trong 100 nạn nhân bị bỏng nhập viện khoảng 2/3 là trẻ em, thường gặp ở độ tuổi 1-6.

Bác sĩ Phạm Văn Đại, Trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, cho biết có nhiều nguyên nhân gây bỏng ở trẻ, thường gặp là bỏng do nghịch lửa, bỏng nước sôi, bỏng do điện, hóa chất… “Bỏng không chỉ gây đau đớn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm sinh lý của trẻ, còn có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời”, bác sĩ cho biết.

Sơ cứu ban đầu ở nhà khi trẻ bị bỏng là một trong những yếu tố quan trọng để vết thương không bị ăn sâu và tránh tình trạng bội nhiễm. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh chưa nắm rõ, thậm chí hiểu sai về sơ cứu khi trẻ bị bỏng khiến vết thương trở nên trầm trọng hơn.

Khi trẻ bị bỏng, phụ huynh cần nhanh chóng cách ly trẻ khỏi nguồn gây bỏng. Trẻ bỏng do lửa, bỏng hơi, bỏng nước sôi, nước có tạp chất như phở, mì, lẩu… ngâm ngay bộ phận bị bỏng (tay, chân…) vào trong nước mát, sạch hoặc xả nhẹ vòi nước vào vùng bỏng với nhiệt độ nước khoảng 15-20 độ C, thời gian khoảng 15-20 phút. Trẻ bị bỏng vùng mặt thì dùng khăn ướt đắp vào mặt nhằm giảm độ sâu của bỏng và làm giảm cảm giác đau đớn, sau đó đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Nếu quần áo dính vào vết bỏng, tuyệt đối không được làm mọi cách để gỡ ra vì sẽ làm rách vùng da bị bỏng, gây khó khăn cho quá trình trị liệu về sau. Tuyệt đối không được bôi hóa chất như dầu gió, nước vôi, kem đánh răng, nhựa chuối, nước mắm, mỡ trăn và đặc biệt là thuốc nam vào vùng bị bỏng vì sẽ khiến trẻ bị nhiễm trùng và tổn thương nghiêm trọng hơn.

Bỏng ở mắt do hóa chất bắn vào, phải rửa mắt ngay bằng nước sạch loại bỏ hóa chất càng sớm càng tốt, sau đó dùng vải mỏng băng mắt lại và đưa trẻ đến bệnh viện.

Trẻ bị bỏng do điện, có thể ngừng thở, ngừng tim, ngay lập tức phải sơ cứu tại chỗ. Đặt trẻ nằm xuống nền đất cứng, hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực đúng cách, khi trẻ thở lại được thì nhanh chóng đưa vào viện.

Theo bác sĩ, sau bỏng trẻ thường bị sốc về tinh thần. Khi đó người lớn phải động viên, an ủi, đừng để trẻ bị hoảng loạn. Trông coi trẻ cẩn thận, không cho chơi đùa ở nơi đang nấu ăn hoặc gần nguồn điện, dây dẫn điện, ổ cắm điện. Cất giữ chất dễ gây cháy, bỏng vào tủ có khóa hoặc để ngoài tầm tay trẻ em.

Trên đây là lời cảnh tỉnh cho các ba mẹ khi sử dụng thuốc dân gian chưa được kiểm định. Hy vọng qua bài viết phần nào giúp ba mẹ có thêm kiến thức để phòng trừ.